Thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Châu Thành đã cụ thể hóa triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy gắn với tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 về việc thực hiện mô hình bí thư đảng ủy xã không phải là người địa phương được Huyện ủy quan tâm, bước đầu triển khai có hiệu quả…
Đoàn kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 02 và xây dựng nông thôn mới của Tỉnh ủy tại huyện Châu Thành. Ảnh: P. Tuyết
Các mô hình kiêm nhiệm
Ngay sau khi Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy được ban hành, BTV Huyện ủy và Đảng ủy các xã, thị trấn đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, đề án quán triệt sâu rộng trong nội bộ đảng về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện theo nghị quyết đề ra. Các cấp ủy Đảng, chính quyền rà soát và chọn những nơi có đủ điều kiện để thực hiện thí điểm, nhất là từ sau cuộc bầu cử trưởng ấp, khu phố và đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2018 - 2020. Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Huỳnh Văn Sáu cho biết: 6 mô hình theo Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy triển khai nhằm hướng đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; giảm bớt và rút ngắn thời gian hội họp cho cơ sở, tăng chế độ, phụ cấp và giảm được kinh phí cho ngân sách địa phương.
Việc thực hiện các mô hình này đã góp phần cho mối quan hệ giữa Đảng và chính quyền được thống nhất, chặt chẽ, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên cơ sở được rèn luyện, trưởng thành về mọi mặt, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, điều hành. Là nguồn phát triển, bổ sung cho cấp ủy Đảng khi mà công tác về nhân sự cho các ấp, khu phố đang gặp khó khăn.
Trong 6 mô hình thì có 4 mô hình được các cấp ủy Đảng quan tâm, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao như mô hình: Xây dựng chi bộ ấp, khu phố trong sạch, vững mạnh toàn diện, có 24 chi bộ đăng ký; mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khu phố, có 12 chi bộ đăng ký; mô hình Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm bí thư chi bộ ấp, khu phố và mô hình Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, kiêm trưởng ấp và một số chức danh khác ở ấp, có 33 mô hình.
Riêng 2 mô hình: Công chức kiêm những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố kiêm những người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố… các địa phương còn chờ sau Đại hội MTTQ các cấp. Cũng theo ông Huỳnh Văn Sáu, công tác kiêm nhiệm này đòi hỏi người cán bộ cơ sở phải có đủ phẩm chất, có trình độ, năng lực và lòng nhiệt huyết cao, sắp xếp và phân bố thời gian làm việc khoa học.
Bí thư Đảng ủy xã không phải là người địa phương
Thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy gắn với Nghị quyết chuyên đề của BTV Huyện ủy từ sau Đại hội Đảng bộ huyện, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 về việc thực hiện mô hình Bí thư không phải là người địa phương, Ban Tổ chức Huyện ủy đã kịp thời tham mưu giúp BTV Huyện ủy triển khai thực hiện, xây dựng mô hình Bí thư Đảng ủy xã không phải là người địa phương. Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Huỳnh Văn Sáu cho biết: Sau khi đã lựa chọn được nhân sự, điều kiện của từng đồng chí và sự cần thiết ở từng địa phương, BTV Huyện ủy đã mạnh dạn thực hiện mô hình này, bước đầu đã phát huy được hiệu quả, “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, nhất là cán bộ, đảng viên chủ chốt, thuộc diện quy hoạch nguồn của Huyện ủy. Đến nay, có 9/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện mô hình.
“Từ nay đến năm 2020, Châu Thành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đại trà mô hình này, bởi thực tế, mô hình đã mang lại hiệu quả rất thiết thực trong công tác xây dựng Đảng. Góc độ của Huyện ủy thì hiện nay, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện cũng không phải là người địa phương mà Tỉnh ủy đã lựa chọn để phân công. Nhiều địa phương trong huyện cũng đã thực hiện theo mô hình này” - Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Huỳnh Văn Sáu cho biết thêm.
Ông Trần Văn Út - Bí thư Đảng ủy xã Tường Đa cho biết, Tường Đa cũng đang thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã không phải là người địa phương. Sau 2 năm triển khai, mô hình này đã phát huy hiệu quả rất rõ. Cụ thể, 2 năm liền (2016 và 2017), Đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Các phong trào tại địa phương cũng rất phát triển như phong trào vận động xây dựng giao thông nông thôn, xã là đơn vị tiêu biểu, dẫn đầu của huyện. Ông Út cho rằng, mô hình này đã giúp cho cán bộ, đảng viên có thêm điều kiện cọ xát với thực tế, nắm được tình hình của nhiều địa phương, phát huy hết năng lực, sở trường, phấn đấu hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác.